Monday, November 25, 2013

Chỉ có thể yêu người "cùng dấu"

Thời gian gần đây có rất nhiều cuộc điện thoại được gọi đến một Trung tâm tư vấn Giới tính, Tình dục để xin được tư vấn về giới tính của mình, trong đó có không ít người băn khoăn về chuyện mình có tình cảm với người đồng giới.
Tình cảm đồng giới - vì đâu nên nỗi?

Nguyên nhân của đồng tính là một câu hỏi khó mà không phải ai cũng có thể đưa ra một câu trả lời rõ ràng.

H.A (Hà Nội) là một nhân viên ngân hàng. Nhìn dáng vẻ thanh mảnh, nước da trắng hồng, mái tóc dài mượt và khuôn mặt như biết cười, kết hợp với một vị trí trưởng phòng truyền thông, không ai nghĩ rằng H.A là một người đồng tính. Gần bước sang tuổi 30 mà H.A luôn tỏ ra khinh khỉnh với đàn ông, không có chút lo lắng hay vướng bận gì về chuyện có người yêu hay lập gia đình, cả bố mẹ và bạn bè, đồng nghiệp đều cho rằng H.A xinh đẹp, giỏi giang quá nên kiêu kì và kén chọn.

Nhưng có nghe tâm sự của H.A thì mới biết rằng đã từ lâu H.A không có cảm xúc hay tình cảm gì với phái mày râu. Sống và học tập gần 10 năm ở trời Tây, H.A luôn ở kí túc xá dành cho nữ, và tình cảm của các thành viên trong khu kí túc xá rất tốt. Hơn nữa, trong kí túc xá có nhiều bạn thể hiện xu hướng thích bạn gái, và có khá nhiều bạn tỏ ra thích H.A. Không biết từ bao giờ H.A cũng bị cuốn theo lối sống đó. H.A “cặp” với một bạn gái cùng phòng. Và sau khi H.A về nước, hai năm sau, cô bạn đó cũng về và hai người lại dính lấy nhau như sam. Chỉ có điều cả H.A và cô bạn đó đều không dám công khai tình cảm của mình vì sợ điều tiếng.


Một trường hợp khác đã gọi điện đến Trung tâm Đầu tư và phát triển con người N.M với những tâm sự rất đau khổ. Th. L (Vĩnh Phúc), năm nay 30 tuổi, chưa có vợ con đã giãi bày với nhân viên tư vấn của trung tâm: “Bố mẹ thấy mình 30 tuổi đầu rồi mà chẳng có mảnh tình vắt vai, dù là bao người giới thiệu các đám này đám nọ, toàn các cô xinh xắn, giỏi giang, cả ngoan ngoãn nhưng mình cứ dửng dưng. Bố mẹ bắt mình phải đi khám nam khoa và cầm cái kết quả chứng tỏ mình là đàn ông 100% về để các cụ yên tâm. Nhưng nói thật, vấn đề của mình không phải là ở chỗ khả năng đàn ông ấy mà căn bản là ở tình cảm của mình. Nói thật, mình chỉ thích các anh chàng cao to, khỏe mạnh và đầy… nam tính thôi. Không biết mình có bị làm sao không nữa?”

Cũng theo lời tâm sự của Th.L. thì L. sinh ra ở Vĩnh Phúc, nhưng đến năm 5 tuổi thì cả nhà L. chuyển vào Tp. HCM sinh sống cùng họ hàng. Bố mẹ phải lăn lộn kiếm sống, ngay từ nhỏ L. đã phải phụ giúp bố mẹ làm việc, mà hầu hết là làm các công việc của con gái, đó là dọn dẹp nhà cửa khi gia đình nào đó có nhu cầu thuê mướn. L. cũng không có nhiều thời gian để chơi với các bạn trong khu, mà điều đặc biệt là quanh nhà L. toàn là con gái, có L. duy nhất là “ì chính cánh” thành ra L. thường xuyên phải chơi các trò chơi con gái. Rồi ngay cả khi đi học L. cũng thường chơi với các bạn gái

Chỉ tới khi L. cảm thấy nhớ và yêu một anh chàng đồng nghiệp khi đã đi làm thì L. mới giật mình về giới tính của mình. Hiện giờ, L. rất hoang mang khi phải đối mặt với thực tế.

Đồng tính không phải là bệnh

H.A và Th.L chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp sống và có tình cảm không đúng với giới tính của mình. Y học gọi đó là đồng tính hay đồng tính luyến ái.

Đồng tính hay còn gọi là đồng tính luyến ái là chỉ việc bị hấp dẫn trên phương diện tình yêu hay tình dục hoặc việc yêu đương hay quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau trong hoàn cảnh nào đó hoặc một cách lâu dài.


Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia tư vấn của Tổng đài tư vấn Ánh Dương thì đồng tính không phải là bệnh, vậy nên nó không thể lây nhiễm hoặc lây truyền sang người khác. Năm 1973, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kì đã loại bỏ Đồng tính ra khỏi danh sách các căn bệnh tâm thần cần điều trị tâm lý. Và đến năm 1990, Tổ chức Y tế thế giới đã công nhận Đồng tính không phải là bệnh.

Cũng theo các chuyên gia tư vấn M. Anh của Công ty Đầu tư phát triển con người N. N, trường hợp như H.A và Th.L. được coi là đồng tính, nhưng xuất phát từ nguyên nhân là do môi trường sống tác động. Cách giáo dục của cha mẹ hay hành vi của những người xung quanh cũng có thể có tác động đến sự hình thành giới tính của mỗi người ngay từ khi còn nhỏ. Còn xét về khía cạnh giải phẫu thì có thể giải thích hiện tượng đồng tính là do hormone.

Trong cơ thể mỗi người đều có hai loại hormone sinh dục nữ (estrogen) và nam (androgen). Hormone nào nhiều hơn sẽ quy định giới tính đó. Tuy nhiên, những người đàn ông có hormone sinh dục nữ hoặc phụ nữ có hormone sinh dục nam quá mức sẽ có thể bị ảnh hưởng cả về thể chất và tâm lí, đồng tính luyến ái là do các hormone này.

Yếu tố gen cũng được coi là góp phần đưa đến tình trạng đồng tính. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng 33% những người anh trai có em đồng tính luyến ái cũng sẽ có nguy cơ đồng tính luyến ái, kể cả khi họ lớn lên trong hai môi trường khác nhau. Một điều thú vị là hiện tượng này chỉ xảy ra ở những người đàn ông thuận tay trái. Không có trường hợp nào được ghi nhận ở nữ giới.

Đồng tính không phải là xu hướng tình dục bây giờ mới xuất hiện, xu hướng tình dục đồng giới đã có từ trong lịch sử và song hành cùng với sự tồn tại và phát triển của loài người.

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một loại thuốc hay một liệu pháp tâm lý đặc hiệu nào có thể giúp những người ở thế giới thứ 3 này trở về con người thực của họ mà xã hội và gia đình mong muốn. Tuy nhiên, thực chất, đồng tính dù là đồng tính nam hay đồng tính nữ đều không phải là cái tội, vậy nên hãy cảm thông cho họ chứ đừng kì thị để họ có thể có cuộc sống tốt hơn.

No comments:

Post a Comment